Đại hội Đảng II: Kháng chiến, kiến quốc

Đại hội lần thứ II của Đảng quyết nghị đưa Đảng ra hoạt động công khai với tên gọi là Đảng Lao động Việt Nam, lãnh đạo toàn dân vừa kháng chiến, vừa kiến quốc
Dai hoi Dang II: Khang chien, kien quoc hinh anh 1 

ĐẠI HỘI ĐẢNG LẦN THỨ II

Thời gian: 11/2 đến 19/2/1951

Địa điểm: Xã Vinh Quang (nay là xã Kim Bình), huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang

Số lượng đại biểu tham dự Đại hội: 158 đại biểu chính thức, 53 đại biểu dự khuyết

Số lượng đảng viên trong nước: hơn 76 vạn

Đại hội bầu:

- Chủ tịch Đảng: Đồng chí Hồ Chí Minh

- Tổng Bí thư: Đồng chí Trường Chinh được bầu lại làm Tổng Bí thư

- Ban Chấp hành Trung ương: 19 Ủy viên chính thức và 10 Ủy viên dự khuyết

- Bộ Chính trị: 7 Ủy viên chính thức và 1 Ủy viên dự khuyết (bầu tại Hội nghị lần thứ nhất)

BỐI CẢNH CHUNG:

Từ năm 1950, phong trào cách mạng trên thế giới phát triển mạnh mẽ. Hệ thống xã hội chủ nghĩa hình thành sau Chiến tranh thế giới thứ hai (1939-1945) đã được củng cố và tăng cường về mọi mặt.

Phong trào giải phóng dân tộc vẫn tiếp tục phát triển.

Phong trào bảo vệ hoà bình thế giới trở thành phong trào quần chúng rộng rãi.

Thế giới hình thành “trật tự hai cực”, trong đó Mỹ và Liên Xô phân chia phạm vi ảnh hưởng rộng lớn nhất.

Mỹ và các nước phương Tây phát động “Chiến tranh lạnh” nhằm chống lại phe XHCN. Thế giới diễn ra cuộc chạy đua vũ trang giữa các cường quốc, nhất là giữa Liên Xô và Mỹ.

Ở Đông Dương, Mỹ tăng cường viện trợ cho Pháp và quân đội bù nhìn, can thiệp sâu vào chiến tranh xâm lược, sẵn sàng thay chân thực dân Pháp.

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta có sự phát triển toàn diện, nhận được sự đồng tình ủng hộ, giúp đỡ tích cực của phe XHCN. Đặc biệt từ sau chiến thắng Biên giới 1950, cuộc kháng chiến bước sang giai đoạn mới, giai đoạn phản công và tiến công.

KHÁNG CHIẾN, KIẾN QUỐC

Căn cứ vào thực tiễn yêu cầu nhiệm vụ tổ chức kháng chiến của ba dân tộc Đông Dương, Đại hội quyết định tách Đảng Cộng sản Đông Dương để thành lập ở mỗi nước Việt Nam, Lào, Campuchia một đảng riêng biệt có cương lĩnh phù hợp với đặc điểm mỗi nước. Ở Việt Nam, Đại hội quyết định thành lập Đảng Lao động Việt Nam. Đại hội đã nghiên cứu, thảo luận Báo cáo chính trị, Báo cáo bàn về cách mạng Việt Nam, Báo cáo về tổ chức và Điều lệ của Đảng, các báo cáo bổ sung về Mặt trận dân tộc thống nhất, chính quyền dân chủ nhân dân, quân đội nhân dân, kinh tế tài chính, văn nghệ nhân dân.

Báo cáo chính trị do Chủ tịch Hồ Chí Minh trình bày tổng kết những kinh nghiệm phong phú của Đảng trong hơn 20 năm lãnh đạo cách mạng, vạch ra những phương hướng, nhiệm vụ đưa cuộc kháng chiến thắng lợi hoàn toàn. Báo cáo khẳng định đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài vì độc lập thống nhất, dân chủ của Đảng là đúng đắn, cuộc kháng chiến của nhân dân ta chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ nhất định thắng lợi. Báo cáo nêu hai nhiệm vụ chính của Đảng lúc này là:

+ Đưa kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn.

+ Tổ chức Đảng Lao động Việt Nam.

Đại hội tổng kết quá trình kháng chiến chống thực dân Pháp và hoàn thiện đường lối cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân.

Đại hội quyết định đưa Đảng ra hoạt động công khai lấy tên là Đảng Lao động Việt Nam, thông qua Chính cương, Điều lệ và Tuyên ngôn của Đảng. Đại hội quyết định sẽ thành lập những tổ chức cách mạng phù hợp hoàn cảnh Lào và Campuchia. Đảng Lao động Việt Nam có nghĩa vụ giúp đỡ các tổ chức cách mạng Lào và Campuchia lãnh đạo kháng chiến của hai dân tộc ấy giành thắng lợi cuối cùng.

Ban Chấp hành Trung ương của Đảng do Đại hội bầu ra gồm 29 đồng chí. Đồng chí Hồ Chí Minh được bầu giữ chức Chủ tịch Đảng. Bộ Chính trị do Trung ương bầu gồm 7 Ủy viên chính thức: đồng chí Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh, Hoàng Quốc Việt, một Ủy viên dự khuyết là đồng chí Lê Văn Lương. Đồng chí Trường Chinh được bầu lại làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Đại hội đại biểu lần thứ II của Đảng là một sự kiện lịch sử trọng đại, đánh dấu bước trưởng thành mới về tư tưởng, đường lối chính trị của Đảng. Đảng từ bí mật trở lại hoạt động công khai với tên gọi Đảng Lao động Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển cách mạng.

SỰ KIỆN TRONG NƯỚC

Đầu năm 1950, phong trào đấu tranh của nhân dân Sài Gòn chống can thiệp Mỹ diễn ra mạnh mẽ, trong đó nổi bật : 

9/1/1950: Hơn 3.000 học sinh, sinh viên Sài Gòn - Chợ Lớn xuống đường biểu tình lên án đế quốc và tay sai; Tháng 2/1950, Đại hội toàn quốc Liên đoàn Thanh niên Việt Nam lần thứ nhất tại Việt Bắc quyết định lấy ngày 9/1 hàng năm là Ngày truyền thống học sinh, sinh viên.

19/3/1950: Hơn 30 vạn nhân dân Sài Gòn-Gia Định biểu tình chống tàu chiến Mỹ cập cảng Sài Gòn.

14/1/1950: Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra tuyên bố về đường lối ngoại giao. Từ đây, các nước XHCN lần lượt công nhận và đặt quan hệ ngoại giao với Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa: Trung Quốc (18/1/1950), Liên Xô (30/1/1950), CHDCND Triều Tiên (31/1/1950), Tiệp Khắc (2/2/1950), CHDC Đức (2/2/1950)...

19/1/1950: Chủ tịch Hồ Chí Minh lên đường thăm Trung Quốc và Liên Xô tranh thủ sự đồng tình ủng hộ, viện trợ quốc tế cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

16/9/1950 đến 17/10/1950: Ta mở Chiến dịch Biên giới giành thắng lợi to lớn, “phá vòng vây” mở ra bước ngoặt phát triển mới cho cuộc kháng chiến chống Pháp.

Tháng 12/1950: Được đế quốc Mỹ hậu thuẫn, thực dân Pháp cử tướng Đờ Lat đơ Tátxinhi sang làm Cao ủy kiêm Tổng chỉ huy quân Pháp ở Đông Dương, đề ra kế hoạch chiến tranh xâm lược mới.

3 đến 7/3/1951: Đại hội toàn quốc thống nhất Việt Minh và Liên Việt thành Mặt trận Liên hiệp Quốc dân Việt Nam (gọi tắt là Mặt trận Liên Việt).

11/3/1951: Báo Nhân Dân ra số đầu tiên.

11/3/1951: Thành lập Liên minh nhân dân ba nước Việt Nam-Lào-Campuchia.

3/3/1951: Đảng Lao động Việt Nam ra mắt quốc dân. Hồ Chủ tịch phát biểu.

6/5/1951: Thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam.

1951-1953: Trung ương Đảng hoàn thiện đường lối cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, quyết định nhiều vấn đề cụ thể thúc đẩy cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

SỰ KIỆN QUỐC TẾ

26/1/1950: Ấn Độ tuyên bố thành lập nước cộng hòa

14/2/1950: Ký Hiệp ước hữu nghị liên minh và tương trợ Liên Xô - Trung Quốc: Hiệp ước có giá trị trong 30 năm.

Tháng 4/1950: Ủy ban Mặt trận dân tộc thống nhất toàn quốc Campuchia và Ủy ban Dân tộc giải phóng Trung ương Campuchia được thành lập. Ngày 13/8/1950, Chính phủ kháng chiến Lào được thành lập, đánh dấu bước phát triển mới của cách mạng Đông Dương.

25/6/1950: Chiến tranh giữa hai miền Triều Tiên bùng nổ.

27/6/1950: Tổng thống Hòa Kỳ H.Truman tuyên bố tăng cường viện trợ quân sự cho Pháp trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam, bao gồm việc gửi các đoàn cố vấn quân sự và cung cấp vũ khí.

Tháng 11/1950: Hội nghị hòa bình thế giới lần thứ hai (tổ chức tại Vacxava, Ba Lan). Hội nghị thông qua nghị quyết đòi chủ nghĩa đế quốc chấm dứt chiến tranh xâm lược ở Việt Nam và Triều Tiên. Chính phủ Việt Nam cử đoàn đại biểu tham gia dự Hội nghị.

23/12/1950: Mỹ gây sức ép buộc Pháp ký Hiệp ước phòng thủ 5 bên, gồm: Mỹ, Pháp và ba chính phủ bù nhìn ở Đông Dương, mở đường cho Mỹ có thể can thiệp trực tiếp vào chiến tranh Đông Dương.

 28/6/1951: Thành lập Đảng Nhân dân Campuchia.

4 đến 8/9/1951: Hội nghị San Francisco (Mỹ) được tổ chức, có đại diện 51 nước tham dự để  để thảo luận vấn đề chấm dứt chiến tranh tại châu Á-Thái Bình Dương và mở ra quan hệ với Nhật Bản thời hậu chiến.

+ Tại Hội nghị này,  trưởng phái đoàn Quốc gia Việt Nam là Trần Văn Hữu đã khẳng định chủ quyền lâu đời của nhà nước Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà không gặp bất cứ sự phản đối nào của 50 quốc gia tham dự còn lại. Sự kiện đó chứng tỏ Hội nghị San Francisco đã mặc nhiên công nhận chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

+ 8/9/1951: Mỹ và Nhật ký hòa ước San Francisco và Hiệp ước đảm bảo an ninh Nhật-Mỹ.

Tin tức khác